Giải pháp xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ 4 tốt” trong Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Thứ hai - 25/11/2024 22:10
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chi bộ trong quá trình xây dựng Đảng: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt”, “Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”, “là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”. Muốn thực hiện tốt đường lối của Đảng phải chăm lo củng cố chi bộ. Chi bộ tốt thì mọi chủ trương, chính sách của Đảng mới được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng và ngược lại, nếu chi bộ yếu kém thì chủ trương, đường lối của Đảng không đi được vào cuộc sống.
Sinh hoạt chi bộ Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu

Chủ trương xây dựng “Chi bộ bốn tốt” hay “Đảng bộ bốn tốt” là một trong những nội dung mới, yêu cầu mới trong việc tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Đây là giải pháp quan trọng được Đảng ta xác định nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp.
Các tiêu chí mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt” được Đảng ta xác định cụ thể như sau:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị
Kịp thời cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp ủy cấp trên và nghị quyết hằng năm của của cấp ủy, chi bộ cấp mình để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ.
Lãnh đạo thực hiện đầy đủ và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao.
Lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Lãnh đạo thực hiện công tác tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ và xây dựng đảng bộ, chi bộ; công tác xây dựng cơ quan đơn vị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở chỉ lãnh đạo thực hiện công tác tư tưởng).
Lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh (nếu có) ở cơ sở, không để vụ việc tồn đọng, không để khiếu nại phức tạp đông người và vượt cấp.
Kết nạp đảng viên đạt số lượng, chất lượng, đạt chỉ tiêu được giao.
- Chất lượng sinh hoạt tốt
Đối với đảng bộ cơ sở: Thực hiện đầy đủ, có chất lượng các kỳ họp ban thường vụ, cấp ủy, đảng bộ theo quy định và Quy chế làm việc.
Đối với chi bộ: Thực hiện đúng đủ, có chất lượng sinh hoạt chi bộ hằng tháng được đánh giá mức độ tốt theo khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ cho các loại hình chi bộ.
- Đoàn kết, kỷ luật tốt
Xây dựng, tổ chức thực hiện đúng quy chế làm việc của cấp uỷ, chi bộ
Thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, làm tốt việc mở rộng dân chủ để tất cả cán bộ, đảng viên bày tỏ được ý kiến của mình.
Không có đảng viên vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm.
Thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, đảng viên.
- Cán bộ, đảng viên tốt
Nêu gương tốt về đạo đức, lối sống, phòng chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Nêu gương tốt về nói đi đôi với làm; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Nêu gương tốt về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tích cực học tập, nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn công tác, hoàn thành đúng tiến độ, yêu cầu đề ra.
Nêu gương tốt về chấp hành kỷ luật, kỷ cương, tự phê bình và phê bình, đoàn kết, gắn bó với nhân dân, thương yêu đồng chí, kính trọng nhân dân, sống có nghĩa, có tình; làm tốt công tác phát triển đảng viên.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện mô hình “chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ 4 tốt”, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch số 28-KH/CB, ngày 27/8/2024 về xây dựng “chi bộ bốn tốt” “Đảng bộ 4 tốt”  nhằm nâng cao nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, các chi bộvà mỗi cá nhân đảng viên trong việc tổ chức thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/ĐUK ngày 10/10/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Ngoài ra, kết quả thực hiện mô hình là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng bộ Nhà trường xem xét đánh giá, xếp loại tổ chức đảng “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” hàng năm.
Để việc xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ bốn tốt” được tổ chức triển khai thực hiện có chất lượng, Đảng bộ Nhà trường xác định các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, có chất lượng cao
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt” và “muốn có Đảng bộ tốt, chi bộ tốt, phải có đảng viên tốt”. Do vậy, xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh là nội dung trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chi bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên cần chú trọng cả số lượng và chất lượng, trong đó lấy chất lượng làm chính. Muốn nâng cao chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng phải quản lý, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và tạo điều kiện cho đảng viên có môi trường, điều kiện thuận lợi để cống hiến và phát triển. Ngoài ra mỗi cá nhân đảng viên phải có sự tự phấn đấu, rèn luyện hoàn thiện bản thân, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh.
Hai là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ:
Cấp uỷ phải thực hiện tốt Kết luận số 18-KL/TW ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Quy định số 02-QĐi/TU, ngày 23/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ; Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 06/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
 Việc chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt chi bộ là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chi ủy phải bám sát tình hình thực tế của chi bộ để xây dựng nội dung sinh hoạt, trong đó cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm; thông tin kịp thời về tình hình thời sự trong nước, quốc tế; phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên; tổng hợp đánh giá việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác của chi bộ tháng trước theo nghị quyết chi bộ đã đề ra và thảo luận một số nhiệm vụ trọng tâm đề ra cho tháng tiếp theo. Nghị quyết của chi bộ phải thiết thực, có tính khả thi và quá trình thực hiện phải được kiểm tra kịp thời. Đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), làm cho mọi đảng viên nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nghị quyết của chi bộ và của cấp ủy cấp trên; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.
Ba là, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc tự phê bình và phê bình để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh: 
Để thực sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ thì bí thư chi bộ phải linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; chủ trì các cuộc họp cởi mở, chân thành, dân chủ, nhưng phải quyết đoán, có chính kiến rõ ràng. Trong thảo luận phải thật sự phát huy dân chủ, tạo được không khí đoàn kết, thẳng thắn để các đảng viên thể hiện hết ý kiến của mình, trước khi biểu quyết chung của chi bộ. Từ dự kiến công việc đến phân công công tác cho đảng viên phải được phân tích kỹ lưỡng, có lý, có tình và phải được thảo luận một cách dân chủ. Những ý kiến xây dựng, thẳng thắn, trung thực phải được tôn trọng và động viên, khuyến khích, tiếp thu một cách cầu thị. Cần bình tĩnh lắng nghe những ý kiến trái chiều và phải được thảo luận rất kỹ trong chi bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng phải bảo đảm quyền được bảo lưu của cá nhân. Kịp thời chấn chỉnh, phê phán những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng, bảo thủ trong trao đổi, thảo luận.
Thực hiện tự phê bình và phê bình thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sửa đổi lối làm việc, lối sống, nếp sống, ý thức tổ chức, kỷ luật của mỗi cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên  phải có nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp của tự phê bình và phê bình, từ đó vận dụng vào điều kiện thực tế sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Đảng viên phải nêu cao tính chiến đấu, khắc phục tâm lý tự ti, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh. Bí thư chi bộ, người đứng đầu phải gương mẫu tự phê bình và phê bình trước tập thể lãnh đạo, trước cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc phương châm “trên trước, dưới sau”, “từ trong ra, từ ngoài vào” để bảo đảm dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, triệt để trong phê bình và tự phê bình.
 Bốn là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng chi, đảng bộ, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực:
Đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của chi bộ, Đảng bộ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; chú trọng kiểm tra, giám sát việc học tập, nghiên cứu quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, có nền nếp và bảo đảm thực hiện đầy đủ về nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định; các đồng chí trong chi ủy, Đảng uỷ, nhất là đồng chí bí thư, thành viên UBKT Đảng uỷ phải có bản lĩnh, nắm vững nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát.
Chủ trương xây dựng mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ bốn tốt” rất phù hợp với yêu cầu xây dựng chỉnh đốn Đảng giai đoạn hiện nay. Các chi bộ trực thuộc nên đưa ra những tiêu chí và giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp thực tiễn đơn vị để đạt được hiệu quả cao nhất. Đảng uỷ Nhà trường cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện mô hình đối với các chỉ bộ trực thuộc; đánh giá, công nhận mô hình đúng thực chất, tránh hình thức; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những mô hình thật sự tiêu biểu, xuất sắc, tạo lan tỏa tốt trong toàn Đảng bộ.
Trần Thị Thanh Huyền
Phòng QLĐT&NCKH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập107
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm106
  • Hôm nay14,334
  • Tháng hiện tại430,428
  • Tổng lượt truy cập21,600,545
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây