Phát huy vai trò giáo dục của gia đình trong tình hình mới

Thứ hai - 17/05/2021 22:53
Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt của con người, trong đó các thành viên cùng sinh sống dựa trên mối quan hệ hôn nhân và huyết thống, cùng có chung những giá trị vật chất và tinh thần, cùng thực hiện các chức năng khách quan phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của mỗi giai đoạn lịch sử nhất định.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này”. Gia đình giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Gia đình có các chức năng cơ bản sau: chức năng kinh tế, chức năng tái sinh sản, duy trì nòi giống và chức năng giáo dục. Cụ thể:
  • Chức năng kinh tế: Đây là chức năng cơ bản quan trọng của gia đình nhằm tạo ra của cải, vật chất, là chức năng đảm bảo sự sống còn của gia đình, đảm bảo cho gia đình được ấm no, giàu có làm cho dân giàu, nước mạnh như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “dân có giàu thì nước mới mạnh”. Chức năng này bao quát về nhu cầu ăn, ở, tiện nghi, là sự hợp tác kinh tế giữa các thành viên trong gia đình nhằm thỏa mãn nhu cầu của đời sống.
  • Chức năng tái sinh sản, duy trì nòi giống: Chức năng này góp phần cung cấp sức lao động - nguồn nhân lực cho xã hội. Chức năng này sẽ góp phần thay thế những lớp người lao động cũ đã đến tuổi nghỉ  hưu, đã hết khả năng lao động linh hoạt, năng động, sáng tạo. Việc thực hiện chức năng này vừa đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của xã hội vừa đáp ứng được nhu cầu về tâm sinh lí, tình cảm của chính bản thân con người.
  • Chức năng giáo dục: Đây là chức năng hết sức quan trọng của gia đình, quyết định đến nhân cách của con người, dạy dỗ nên những người con hiếu thảo, trở thành người công dân có ích cho xã hội bởi gia đình là trường học đầu tiên và ở đó cha mẹ là những người thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người: “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập”[1].
Ngoài ba chức năng cơ bản trên thì gia đình còn có chức năng thoả mãn nhu cầu tinh thần, tình cảm và chăm sóc sức khỏe. Đây là chức năng có ý nghĩa quan trọng trong việc chia sẻ tình yêu thương gắn bó giữa các thành viên của gia đình.

Đặc biệt quan tâm tới vấn đề giáo dục trong gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”[2], bởi gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội; đồng thời, cũng là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình Việt Nam truyền thống được hình thành và phát triển, gắn kết một cách bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên; với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như: Kính trên nhường dưới, hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, hy sinh cho con, tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, anh em, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, v.v.. trở thành cái nôi, thành nền tảng hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người Việt Nam.
Cùng với sự biến đổi vô cùng to lớn của đời sống xã hội thời kỳ đổi mới, gia đình Việt Nam cũng diễn ra sự biến đổi một cách toàn diện. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống gia đình. Bên cạnh những tác động tích cực, những cơ hội phát triển mới, gia đình Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức mới. Đó là tình trạng ly hôn có xu hướng tăng cao; ngoại tình; sống chung không kết hôn; tệ nạn mại dâm; tình trạng trẻ em hư, phạm tội, lang thang có xu hướng tăng; bạo lực gia đình; buôn bán phụ nữ; bất bình đẳng giới; mua bán hôn nhân có yếu tố nước ngoài;…đang tác động đến từng cộng đồng, tập thể, cá nhân, từng gia đình ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi phương diện. Những tác động gây bất lợi đối với sự phát triển bền vững của gia đình nói chung và giáo dục gia đình - sự trưởng thành của trẻ em nói riêng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên nhưng điều quan trọng nhất là bản thân mỗi cá nhân chưa nhận thức đầy đủ vai trò của gia đình - sự vững mạnh hay bất cập của gia đình sẽ có tác động lớn đối với việc quản lý xã hội nói chung.
+ Về mặt xã hội, mặc dù Ðảng và Nhà nước đã quan tâm đến việc xây dựng hành lang pháp lý tạo tiền đề cho các hoạt động xây dựng và củng cố gia đình, tuy nhiên, hoạt động triển khai và thực thi chính sách gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều văn bản luật và chính sách chưa được nhận thức đầy đủ. Cơ chế phối hợp triển khai thực hiện chính sách gia đình chưa đồng bộ. Ðội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác gia đình ở cấp cơ sở còn thiếu các kỹ năng cần thiết và gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các vấn đề về gia đình.
+ Về phía các gia đình, sự thiếu quan tâm đến việc giáo dục gia đình là một nguyên nhân quan trọng khiến cho gia đình chưa phát huy được vai trò của mình. Nhiều gia đình vẫn khoán trắng cho xã hội và nhà trường việc giáo dục trẻ em. Một số không ít các bậc cha mẹ chưa dành được thời gian thích đáng để quan tâm tới con cái. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ còn thiếu kỹ năng và phương pháp giáo dục con cái một cách khoa học.
Tiếp tục đánh giá vị trí, tầm quan trọng của gia đình với ý nghĩa là nền tảng, tế bào của xã hội; đồng thời cũng là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành và phát triển nhân cách con người, nơi giữ vai trò đặc biệt quan trọng liên quan tới số lượng, chất lượng dân số và cơ cấu dân cư của quốc gia, Văn kiện Ðại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng mỗi trường học thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người”[3]. Văn kiện Ðại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”[4].
Để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và phát huy vai trò của giáo dục gia đình trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người, cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; trong đó, chú trọng vai trò nền tảng từ gia đình. Cần thực hiện tốt những giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc tổ chức thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Tập trung các giải pháp duy trì, phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống; kiên quyết ngăn chặn, xóa bỏ những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống từ trong gia đình; tích cực chăm sóc, bảo vệ trẻ em; chăm lo, phụng dưỡng người cao tuổi, người già cô đơn không nơi nương tựa...
Thứ hai, tuyên truyền phổ biến để cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức và mọi công dân, mọi thành viên gia đình thấm nhuần chiến lược xây dựng và phát triển gia đình, trọng tâm là Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/5/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” ban hành kèm theo Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL, ngày 08/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, chiến lược của Chính phủ; các Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em; tổ chức thường niên Ngày hội gia đình 28/6...
Thứ ba, có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, nhất là tạo việc làm tại chỗ, nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của gia đình, nhất là gia đình nông thôn.
Thứ tư, các bậc cha mẹ không ngừng học hỏi, tìm hiểu những tri thức khoa học, xã hội, trang bị và nâng cao kiến thức, khả năng chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục con cái, để không chỉ góp phần tăng cường, nâng cao và phát huy được vai trò giáo dục gia đình, nhất là với các bậc cha mẹ ở khu vực nông thôn, miền núi mà còn khắc phục phương pháp giáo dục chỉ dựa trên kinh nghiệm và cảm tính.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục là gia đình - nhà trường - xã hội; trong đó, phát huy những ưu điểm của từng môi trường giáo dục để không chỉ đi đến sự thống nhất trong giáo dục con trẻ mà còn hỗ trợ và đồng hành cùng mục tiêu chung là tạo dựng nguồn lực con người Việt Nam chuẩn mực về đạo đức, hoàn thiện về tri thức, kỹ năng.
ThS. Bùi Thanh Thảo
Khoa Xây dựng Đảng

[1] Điều 72, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.300.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.128.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.263.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập81
  • Hôm nay20,891
  • Tháng hiện tại546,566
  • Tổng lượt truy cập21,028,959
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây