Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu có đủ đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Tuy nhiên, trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, đã tung ra nhiều luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc gây nhũng nhiễu thông tin, hoang mang dư luận nhằm chia rẽ, phá vỡ khối đoàn kết toàn dân, kích động hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử. Những nội dung chống phá chính mà các đối tượng xấu đang tiến hành là: Xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử. Thời gian vừa qua, ngoài các website, trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành, một số trang báo nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với Việt Nam và liên tục tung ra những bài viết, bài phỏng vấn chứa đựng nội dung tiêu cực, thiếu chính xác về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tại nước ta. Các đối tượng xấu đưa ra luận điệu hết sức sai lệch như: “Bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”…
Những luận điệu, nhận định mà các đối tượng đang rêu rao như trên là hoàn toàn sai sự thật. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tại Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vì vậy, việc Đảng lãnh đạo đối với công tác bầu cử là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Về mặt thực tiễn, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý; tạo nền tảng cho việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bộ Chính trị xác định rõ công tác bầu cử diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn. Chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức như: sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; những diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế; việc chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là điều đúng đắn và cần thiết để củng cố, đoàn kết thống nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Cùng với đó, một thủ đoạn khác mà các thế lực thù địch đang ra sức thực hiện đó là lợi dụng dân chủ, núp bóng cái gọi là “tự ứng cử", kêu gọi ủng hộ cho các “nhà dân chủ” để gây rối, chống phá cuộc bầu cử. Có thể thấy rõ bản chất của những “nhà dân chủ” này là khi bị loại thì lấy cớ để xuyên tạc công tác bầu cử, chê bai, công kích thể chế, công kích Đảng, công kích Nhà nước rồi đòi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”. Mục đích cuối cùng của các thế lực thù địch là để tiến hành chống phá về mặt chính trị, hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Trong khi đó pháp luật nước ta quy định công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Quyền bầu cử và ứng cử là của công dân, là quyền được hiến định. Không ai có quyền cản trở việc công dân thực hiện những quyền này. Chính vì vậy, những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định trong Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Chúng ta kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”. Tại Khoản 1, Điều 115, Chương IX, Hiến pháp 2013 cũng quy định: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo...”.
Ngoài ra các thế lực thù địch còn tìm mọi cách xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, tung ra các kiến nghị vô căn cứ. Trên nhiều trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành đang lan truyền những bài viết “xếp ghế” cho nhân sự trong Quốc hội. Các đối tượng rêu rao những luận điệu vô cùng độc hại, tiêu cực, cho rằng bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”; vấn đề về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về số lượng đại biểu là người ngoài Đảng, các đối tượng cơ hội chính trị cũng cố tình xuyên tạc, biến tướng bản chất vấn đề. Những luận điệu này đã tiếp cận đến không ít người dùng mạng xã hội.
Trên thực tế ngày 11/1/2021 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 về việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu (5-10%). Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá công tác bầu cử, các đối tượng xấu đã biến tướng, xuyên tạc bản chất vấn đề, đưa ra những luận điệu cho rằng Đảng quy định số lượng đại biểu ngoài Đảng là quá ít, cần phải “cân bằng quyền lực” trong Quốc hội bằng cách chia một nửa số ghế cho những người ngoài Đảng. Thậm chí, có đối tượng còn đòi xóa bỏ cơ chế bầu cử hiện tại, đòi hỏi phải tiến hành bầu cử theo phương thức của các nước tư bản…
Sắp tới ngày bầu cử, các thế lực thù địch sẽ vẫn tiếp tục xuyên tạc chống phá cuộc bầu cử. Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2021 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đặc biệt, cần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, biểu thị rõ thái độ dứt khoát trước các biểu hiện lừa gạt, kích động của các thế lực thù địch góp phần giữ vững thế trận lòng dân trước sự chống phá của các thế lực thù địch.
Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân; động viên cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải nắm bắt tư tưởng chính trị, tâm tư nguyện vọng của cử tri; đề ra các giải pháp kịp thời đối với những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề có thể phát sinh; tuyên truyền bảo đảm tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, tạo điều kiện cho đông đảo nhân dân được tiếp cận những thông tin chính thống, tin cậy, tích cực, nhân văn, tránh để các thế lực phản động lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng vấn đề bảo vệ môi trường kích động nhân dân tụ tập đông người.
Ba là, xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp phát huy vai trò tuyên truyền, vận động của người có uy tín, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị là điều kiện bảo đảm quan trọng góp phần cho thành công của cuộc bầu cử. Do đó, mọi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cần thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, sáng suốt nhìn nhận bản chất của những thế lực thù địch, của những đối tượng phản động, nhận diện được mưu đồ của chúng để đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực phản động. Mỗi người cần nâng cao khả năng “tự đề kháng”, tự bảo vệ chính mình trước các thông tin, xấu độc; có thái độ, trách nhiệm rõ ràng trước các luồng thông tin xấu lan truyền trên mạng xã hội trước, trong và sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử.
ThS. Ngô Thị Hồng Nhung
Trưởng khoa Xây dựng Đảng