Đề án xác định mục tiêu là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp mẫu mực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có năng lực sư phạm, phong cách làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, đội ngũ giảng viên có cơ cấu 4 độ tuổi, bảo đảm sự kế thừa liên tục: Dưới 40 tuổi chiếm 15%, từ 40 - 50 tuổi chiếm 35 - 40%, từ 50 - 60 tuổi chiếm 35 - 40%, trên 60 tuổi chiếm 5 - 10%. Đến năm 2030, giảng viên chiếm tỷ lệ tối thiểu 65% công chức, viên chức trong từng đơn vị trực thuộc Học viện và mỗi trường chính trị cấp tỉnh; tối thiểu 70% trở lên giảng viên được chuẩn hóa, có trình độ chuyên môn phù hợp với chức danh, vị trí việc làm. Tối thiểu 50% cán bộ khoa học dưới 40 tuổi sử dụng trực tiếp ngoại ngữ (tiếng Anh) trong nghiên cứu, giảng dạy; đủ giảng viên thành thạo tiếng Lào trực tiếp dịch, tham gia đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Mỗi trường chính trị cấp tỉnh có 5 tiến sỹ trở lên, 70% giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên. Hiệu trưởng có trình độ tiến sĩ, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và trưởng các khoa có trình độ thạc sĩ trở lên.
Để thực hiện mục tiêu, Đề án xác định các giải pháp cơ bản sau:
1. Khảo sát, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về năng lực, trình độ, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh.
2. Xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Tập trung vào các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, khung năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện và các trường chính trị tỉnh; hoàn thiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý, danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức
3. Xây dựng, ban hành kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế với lộ trình, giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện. Thực hiện hiệu quả công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
4. Thực hiện tuyển dụng, bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ, giảng viên, ưu tiên đối tượng trẻ, tài năng, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
5. Xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện đại đối với công chức, viên chức, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
6. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
7. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
8. Tăng cường công tác luân chuyển, biệt phái và đi thực tế. Đảm bảo hằng năm có khoảng 5% tổng số công chức, viên chức Học viện và các trường chính trị luân chuyển, biệt phái, đi thực tế có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm tại các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
9. Tổ chức tổng kết và tham gia tổng kết thực tiễn theo chuyên đề.
10. Tăng cường trao đổi học thuật giữa Học viện với các tổ chức khoa học, nghiên cứu, đào tạo có uy tín trên thế giới.
11. Xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, khuyến khích hình thành mô hình các “nhóm nghiên cứu” của Học viện và các trường chính trị theo quy định của pháp luật.
12. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh.
13. Đổi mới chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh phù hợp với thực tế.
Nguyễn Thị Hồng Mây