Một số chính sách nổi bật liên quan đến công chức, viên chức hiệu lực từ tháng 11/2020

Chủ nhật - 01/11/2020 04:21
1. Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập
Ngày 10/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020và thay thế Nghị định 41/2012/NĐ-CP ngày 8/5/2012.
Nghị định này quy định 02 căn cứ xác định vị trí việc của viên chức; bổ sung bổ sung thêm tiêu chí phân loại vị trí việc làm của viên chức đồng thời quy định rõ về xử lý trách nhiệm người đứng đầu có sai phạm trong phê duyệt vị trí việc làm.Theo đó, 02 căn cứ để xác định vị trí việc của viên chức bao gồm: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập và mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đối với tiêu chí phân loại vị trí việc làm của viên chức theo quy định hiện hành chỉ phân theo khối lượng công việc: Do một người đảm nhận,do nhiều người đảm nhận hoặc kiêm nhiệm. Nghị định 106/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm tiêu chí phân loại vị trí việc làm của viên chức kể từ ngày 15/11/2020 như sau:
Một là, phân loại theo khối lượng công việc gồm: Vị trí việc làm do một người đảm nhận; vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận; vị trí việc làm kiêm nhiệm.
Hai là,phân loại theo tính chất, nội dung công việc gồm: Theo vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; theo vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; theo vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung (hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính và các vị trí việc làm không giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành của đơn vị sự nghiệp công lập) và theo vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Ngoài ra, Trong Nghị định này, Chính phủ yêu cầu bảo đảm cơ cấu hợp lý, trong đó số lượng người làm việc tại các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung chiếm tỷ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập. Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên lập kế hoạch số lượng người làm việc hàng năm; tổ chức thẩm định và trình người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định phê duyệt. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập có Hội đồng quản lý thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải trình Hội đồng quản lý thông qua trước khi quyết định phê duyệt số lượng người làm việc của đơn vị.
Đặc biệt, Chính phủ quy định rõ, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, Hội đồng quản lý (đối với đơn vị sự nghiệp công lập có Hội đồng quản lý) và Hội đồng trường (đối với trường đại học công lập) thực hiện không đúng quy định tại Nghị định thì bị xem xét đánh giá, xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ hàng năm và xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật.
2. Quy định về biên chế trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và  UBND cấp huyện
Liên quan đến công chức, ngày 14/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 107/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Nghị định 108/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cả hai Nghị định này đều có hiệu lực từ ngày 25/11/2020.
Cụ thể, Nghị định 107/2020/NĐ-CP bổ sung tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở. Theo đó, khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 07 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tối thiểu 06 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 05 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.
Nghị định này cũng quy định được thành lập chi cục và các tổ chức tương đương thuộc sở nếu khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 12 biên chế công chức; được thành lập phòng và tương đương thuộc chi cục thuộc sở nếu khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 05 biên chế công chức.
Về số lượng Phó Giám đốc sở: Theo Nghị định 24/2014/NĐ-CP, số lượng Phó Giám đốc các sở thuộc UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh không quá 04 người. Tuy nhiên, theo quy định mới, bình quân mỗi sở có 03 Phó Giám đốc, riêng thành phố Hà Nộivà thành phố  Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc sở tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc sở.
Về số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện: Nghị định 108/2020/NĐ-CP quy định giảm 01 Phó Trưởng phòng. Cụ thể, mỗi phòng chuyên môn có bình quân 02 Phó Trưởng phòng thay vì tối đa 03 người như quy định cũ. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp.
Nghị định cũng bổ sung quy định về số lượng cơ quan chuyên môn của UBND đối với huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang là tối đa 12 phòng. Số lượng cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện đảo không quá 10 phòng. Phòng Dân tộc tại Ủy ban nhân dân cấp huyện được thành lập nếu đáp ứng các tiêu chí sau: Có tối thiểu 5000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.
Thêm vào đó, Nghị định 108/2020/NĐ-CP quy định rõ hơn về trách nhiệm báo cáo của Trưởng phòng. Theo đó, ngoài việc báo cáo với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Trưởng phòng còn có trách nhiệm báo cáo sở quản lý ngành, lĩnh vực về tổ chức, hoạt động của cơ quan mình; phối hợp với người đứng đầu cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
3. Chính sách liên quan đến giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm và Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học
Ngoài các chính sách liên quan đến công chức, viên chức được quy định trong 03 Nghị định trên, trong tháng 11 năm 2020 còn có 03 Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm; bảng lương viên chức giảng dạy trong trường cao đẳng sư phạm và Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ ngày 01/11/2020. Thông tư này quy định, tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi, tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi. Đối với những học sinh được học vượt lớp ở cấp học trước hoặc học vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi theo quy định thì tuổi vào lớp 6 và lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước. Đồng thời, học sinh không được lưu ban quá 03 lần trong một cấp học, học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc vượt lớp trong phạm vi cấp học. Việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh được thực hiện theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; bảo đảm tính toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan, vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên khuyến khích học sinh tiến bộ; chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau, không so sánh học sinh này với học sinh khác và không gây áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Trong ứng xử, giáo viên không được làm những điều sau: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xúc phạm thân thể học sinh và đồng nghiệp; gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh, bỏ giờ, bỏ buổi học; xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; hút thuốc lá, rượu, bia và sử dụng chất kích thích khác khi đang dạy học.
Ngoài ra, Thông tư quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường trung học là 05 năm, sau mỗi năm học hiệu trưởng được viên chức, nhân viên trong trường góp ý và cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định. Hiệu trưởng công tác tại một trường trung học công lập không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 20/11/2020) Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập. Trong đó quy định: Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I, Mã số: V.07.08.20) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00; Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II, Mã số: V.07.08.21) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78; Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III, Mã số: V.07.08.22) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Việc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Đồng thời, Bộ cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) đó là:
Thứ nhất, phải chủ trì thực hiện ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.
Thứ hai, tác giả của ít nhất 02 bài báo khoa học là công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên cao đẳng sư phạm đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN.
Thứ ba, viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) phải có thời gian giữ chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 năm đối với người có bằng đại học, đủ 06 năm đối với người có bằng thạc sĩ; trong đó phải có ít nhất 01 năm giữ chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng…
Thông tư 36/2020/TT-BGDĐT về chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm chính thức có hiệu lực từ ngày 20/11/2020.Theo đó, chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm, giảng viên các trường cao đẳng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định như sau: Thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1760 giờ hành chính) để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác, được xác định theo năm học sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định. Giảng viên phải dành ít nhất 1/5 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học (tương đương 352 giờ hành chính) để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết giảng lý thuyết trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy. Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 270 đến 420 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 810 đến 1.260 giờ hành chính).
Đối với các nội dung giảng dạy có tính chất đặc thù, các tiết giảng trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) trên 50 phút giao hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm quy đổi cho phù hợp.
Ngoài ra, giảng viên trong thời gian tập sự, thử việc chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy, đồng thời được miễn giảm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để dành thời gian tham gia dự giờ và tham gia thực tập, thực tế. Giảng viên được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm công tác quản lý, đảng, đoàn thể (trừ giảng viên giáo dục quốc phòng an ninh) có nghĩa vụ giảng dạy tối thiểu theo định mức như sau: Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng: 15%; Phó hiệu trưởng: 20%; Trưởng bộ môn là 80%; Bí thư chi bộ, Trưởng ban thanh tra nhân dân, Trưởng ban nữ công, Chủ tịch hội cựu chiến binh: 85%;…
 Như vậy, có thể nói rằng, tháng 11 năm 2020 có nhiều chính sách mới đối với công chức, viên chức bắt đầu có hiệu lực thi hành.
ThS. Nguyễn Phúc Ái
Phó Hiệu trưởng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập113
  • Hôm nay12,459
  • Tháng hiện tại281,829
  • Tổng lượt truy cập16,230,914
global block tophitss
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây