Quy định về xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng

Thứ tư - 31/07/2019 21:56
Ngày 01/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Cùng với việc hướng dẫn một số điều, khoản của Luật phòng, chống tham nhũng 2018; Nghị định còn quy định các biện pháp tổ chức thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó đáng chú ý là quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Việc xác định trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu được căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng. Nghị định xác định 4 mức độ của vụ việc tham nhũng:
- Vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng chưa đến mức bị xử lý hình sự hoặc bị xử lý hành sự bằng hình thức phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
- Vụ việc tham nhũng nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 03 năm đến 07 năm.
- Vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 07 năm đến 15 năm.
- Vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Việc xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện như sau:
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp nhà nước thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức sau: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức.
- Khiển trách được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng.
 - Cảnh cáo được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
 - Cách chức được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
          Việc xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng được thực hiện trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận, báo cáo chính thức của cơ quan hoặc người có thẩm quyền về vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc từ ngày bản án về tham nhũng có hiệu lực pháp luật và thuộc thẩm quyền của  người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp.
          Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
          Như vậy, cùng với quy định trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, phát hiện tham nhũng; việc quy định  chế  tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách sẽ tạo cơ chế pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Nguyễn Thị Hồng Mây

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm118
  • Hôm nay17,489
  • Tháng hiện tại286,859
  • Tổng lượt truy cập16,235,944
global block tophitss
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây