Một số nội dung cơ bản của Luật phòng chống tham nhũng năm 2018

Thứ sáu - 11/01/2019 02:10
Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2019. So với Luật PCTN 2005 (sđ 2012) Luật PCTN 2018 có nhiều nội dung đổi mới rất quan trọng.
Một số nội dung cơ bản của Luật phòng chống tham nhũng năm 2018
Thứ nhất, về công khai minh bạch trong phòng ngừa tham nhũng. Nếu như luật PCTN 2005 quy định công khai, minh bạch trong các lĩnh vực thì luật 2018 chỉ quy định ngắn gọn về nguyên tắc về nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch; về trách nhiệm giải trình, báo cáo công tác PCTN và tiêu chí đánh giá về công tác PCTN.
Thứ hai, Luật quy định về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Đây là nội dung hoàn toàn mới so với luật 2005. Quy định này nhằm nhấn mạnh và đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng. Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm xây dựng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng
Thứ ba, về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn. Luật bổ sung quy định về kiểm soát lợi ích. Theo đó, người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý. khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp: giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.
Thứ tư, Quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là nội dung hoàn toàn mới. Luật quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong kiểm soát tài sản, thu nhập;  về kê khai tài sản, thu nhập, xác minh tài sản, thu nhập; về cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập.
Thứ năm, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Luật quy định thành một chương riêng và nhấn mạnh về chế tài xử lý: khi để xảy ra tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới.
Thứ sáu, Xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN luật đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn với các nội dung:
- Nguyên tắc về việc xử lý tham nhũng:
Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Xử lý tài sản tham nhũng: Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Ngoài việc xử lý hành vi tham nhũng, luật còn quy định Xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị gồm: Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; vi phạm quy định về quy tắc ứng xử; vi phạm quy định về xung đột lợi ích; vi phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; vi phạm quy định về nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng; vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; vi phạm quy định về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện vi phạm quy định tại Điều 80 của Luật (vi phạm Nguyên tắc công khai, minh bạch, nội dung công khai, minh bạch, hình thức công khai, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch, Kiểm soát xung đột lợi ích, Trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu).
Nguyễn Thị Hồng Mây

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập154
  • Hôm nay15,902
  • Tháng hiện tại418,980
  • Tổng lượt truy cập16,368,065
global block tophitss
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây