Thái Nguyên ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2018

Thứ tư - 24/01/2018 22:03
Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý hành chính nhà nước, cải thiện và nâng cao thứ hạng chỉ số cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên năm 2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định số 4072/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2018 với một số nội dung cụ thể như sau:
Đối với cải cách thể chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND các cấp, tổ chức triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng văn bản QPPL tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2018, định hướng đến năm 2020. Tăng cường công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản QPPL theo Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 06/9/2017 của UBND tỉnh, kịp thời xây dựng, triển khai cho phù hợp với quy định văn bản mới của cấp có thẩm quyền phù hợp với thực tế địa phương.
Đối với cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tập trung rà soát, đơn giản hóa Bộ TTHC tỉnh Thái Nguyên và áp dụng thống nhất tại các cấp chính quyền; thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến và đánh giá tác động quy định TTHC đối với các dự thảo văn bản QPPL có quy định TTHC; Công bố kịp thời TTHC, danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh; công khai minh bạch TTHC bằng nhiều hình thức theo quy định.
 
Đối với cải cách tổ chức bộ máy, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiếp tục thực hiện quản lý công chức, viên chức theo đúng cơ cấu và vị trí việc làm; hoàn thành xây dựng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên. Đẩy mạnh việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII. Thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo đúng yêu cầu, sát với thực tế, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đối với cải cách tài chính công, tiếp tục thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ thực hiện khoán chi thường xuyên trên cơ sở vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công, chất lượng dịch vụ công được đảm bảo; thực hiện tốt quy định công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý và sử dụng nguồn tài chính công theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp, thu hút đầu tư; bảo đảm số doanh nghiệp thành lập mới, nguồn vốn thu hút đầu tư cao hơn năm 2017.
Đối với hiện đại hóa hành chính, thực hiện kiến trúc chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh triển khai sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành từ tỉnh đến xã; khai thác phần mềm quản lý theo dõi nhiệm vụ; phấn đấu tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt từ 85% đến 90% được trao đổi, giao dịch giữa các cơ quan Nhà nước thực hiện trên môi trường điện tử từ tỉnh đến các xã phường thị trấn và ngược lại.
Để thực hiện những nội dung trên có 9 giải pháp cần tập trung triển khai:
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước với công tác CCHC.
Thứ hai, thường xuyên đánh giá tiến độ; kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch CCHC; kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt đối với việc giải quyết TTHC phục vụ tổ chức, cá nhân. Triển khai, thực hiện áp dụng Chỉ số đánh giá CCHC đối với các đơn vị, địa phương công khai, khách quan để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục.
Thứ ba, đẩy mạnh kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản QPPL các cấp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng văn bản QPPL; chú trọng cải cách TTHC; rà soát, cắt giảm và nâng cao chất lượng TTHC trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới, hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ năm, tổ chức, triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế bảo đảm đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra; thực hiện đánh giá cán bộ, công chức đảm bảo sát thực, gắn với kết quả được giao. Tổ chức, triển khai đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí, ngạch...
Thứ sáu, triển khai, áp dụng triệt để kiến trúc chính quyền điện tử và ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định về trao đổi văn bản điện tử; đầu tư một cửa hiện đại và ứng dụng CNTT đảm bảo cung cấp dịch vụ công; hướng dẫn đầy đủ, kịp thời việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 3, 4.
Thứ bảy, thường xuyên rà soát, áp dụng thực hiện 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị; tăng cường công khai, minh bạch tuyên truyền sâu rộng TTHC tới tổ chức, cá nhân nắm giám sát tiến trình thực hiện.
Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về CCHC, xây dựng chuyên mục, chuyên trang đưa tin về công tác CCHC, nhất là tuyên truyền giải quyết TTHC, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hiện đại hóa hành chính, cải thiện và nâng cao các Chỉ số về năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị và hành chính công và Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.
Thứ chín, xây dựng cơ chế khuyến khích tập thể, cá nhân có sáng kiến, hiến kế trong CCHC, Hội đồng sáng kiến của tỉnh xem xét, ưu tiên, công nhận các sáng kiến, cách làm mới, lần đầu tiên được áp dụng hoặc áp dụng thử đem lại lợi ích thiết thực, nâng cao hiệu quả triển khai CCHC của tỉnh.
Hồ Sỹ Bách
Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê website
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay15,863
  • Tháng hiện tại294,016
  • Tổng lượt truy cập16,716,822
global block tophitss
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây