Nhớ về miền Trung

Thứ tư - 26/12/2018 22:14
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định: “Học để hiểu biết, để làm việc, để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, học để làm người. Muốn làm vậy phải có thói quen đem lý luận liên hệ với thực tiễn.”
Với tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến thực tế, bất cứ việc gì cũng xuất phát từ yêu cầu thực tế.Muốn làm được điều ấy thì việc học phải xuất phát từ yêu cầu của công việc và phải học cặn kẽ, thấu đáo.Người mong muốn việc học – hành, tức là nhận thức – hành động phải đạt tới chỗ thấy cho biết, nhìn cho thấu. Vì vậy, theo Người học tập ở trong nhà trường, trong sách vở chưa đủ, phải học trong cả cuộc sống, trong người khác.
Trong Chương trình TCLLC-HC, mỗi học viên khi tham gia học tập sẽ được tiếp thu những kiến thức lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiến thức lịch sử,quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỹ năng lãnh đạo quản lý và nghiêp vụ khác….Những kiến thức mà học viên thu được là những lý luận khoa học, mỗi học viên trong quá trình học tập, tham gia nghiên cứu cần được tiếp xúc trực tiếp với những vấn đề thực tiễn ở cơ sởđể giúp họ hoàn thiện tri thức của bản thân. Vì vậy, nghiên cứu thực tế là một nội dung quan trọng và không thể thiếu được trong chương trình đào tạo. Xuất phát từ yêu cầu đó, sau khi đã hoàn thành chương trình Trung cấp LLTC-HC theo quy định, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chuyến đi thực tế Huế - Quảng trị - Quảng Bình - Nghệ An cho lớp Trung cấp LLCT-HC hệ không tập trung Khóa 9 tại Đảng bộ thị xã Phổ Yên từ ngày 06/12/2018đến ngày 10/12/2018 theo Quyết định số 357/QĐ-TCTr ngày 15/11/2018 của Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên. Trong suốt hành trình chuyến đi, đoàn chúng tôi được trải nghiệm thực tế qua các công trình, địa danh văn hóa lịch sử như: Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đại nội Huế, Lăng Bảo Đại, chùa Thiên Mụ, quê Bác. Mỗi nơi, mỗi địa danh đều cho chúng tôi những cảm nhận khó quên về vùng đất và con người trên dải đất miền Trung anh dũng.Trong phạm vi bài viết, tôi xin được phác họa đôi nét về những nơi chúng tôi đã đi qua và để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc nhất.
48422985 2519319871417987 499601255979548672 n

Với hành trình 05 ngày, chúng tôi đã tham quan rất nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử.
Ngày đầu tiên (06/12/2018)xuất phát từ 3h30 phút tại thị xã Phổ Yên, đến với Quảng Bình đoàn dừng chân và dâng nén tâm nhang vào viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đứng trước mộ Đại tướng, mọi người gửi tấm lòng thành kính tri ân đến Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, cầu cho đất nước ngày càng giàu mạnh văn minh, cầu cho Đại tướng yên ngủ ngàn thu với đất mẹ Quảng Bình. Mộ Đại tướng yên nghỉ là phía trên chân núi, lưng tựa vào dãy núi Thọ hùng vĩ, phía trước là đảo Yến với địa thế sơn thủy hữu tình, có những cánh đồng thông bạt ngàn xanh thẳm thuộcVũng Chùa – Đảo Yến.
Ngày thứ hai (07/12/2018), đoàn rời Đảo Yến trở về một địa danh đã mang dấu ấn lịch sử của dân tộc, đó là Thành cổ Quảng Trị, đây là nơi diễn ra trận chiến 81 ngày đêm hao tổn cả về sức người và của trong chiến dịch tái chiếm Thành cổ của Mỹ - ngụy. Thành cổ Quảng trị đón chào chúng tôi bằng một không gian rất đặc biệt vừa u buồn trầm mặc, vùa hào hùng, lãng mạn và bi tráng. Tại Thành cổ Quảng trị không thể không chiêm ngưỡng tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong trận đánh năm xưa. Tượng đài hình tròn tượng trưng cho nấm mồ của những người đã khuất, phía dưới là hành trang người lính gồm mũ, ba lô và cây súng.Phía ngoài vòng tròn gắn 81 tờ lịch, thể hiện 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt của các chiến sỹ giải phóng quân. Khuôn viên Thành cổ có tháp chuông lớn được để tại quảng trường nối liền Thành cổ và bờ sông Thạch Hãn thường xuyên vang lên những hồi chuông ngân dài với ý nghĩa cầu cho linh hồn của các chiến sỹ đã hy sinh được siêu thoát. Phía tây nam của Thành cổ là Bảo tàng với rất nhiều chứng tích chiến tranh được lưu giữ. Với giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, chị hướng dẫn viên đã khiến chúng tôi bồi hồi, xúc động rớt nước mắt khi hồi tưởng về cuộc chiến năm xưa và những tấm gương kiên cường, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Tiếp theo, chúng tôi dừng lại viếng và thắp hương tri ân tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn. Đây là 02 công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất và có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, lòng biết ơn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân với các chiến sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước, đồng thời cũng thể hiện lòng biết ơn đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất nước nhà. Hai nghĩa trang này không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hung liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta; không chỉ là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa mà còn là nơi hành hương của nhân dân và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”. Đến với nơi thiêng liêng này, không ai trong chúng tôi có thể diễn tả hết được sự kính trọng trước sự hy sinh của các vị anh hùng đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Chia tay mảnh đất Quảng Trị anh hùng, đoàn xe chúng tôi đến với thành phố Huế, nơi đã từng là kinh đô xưa của Triều Nguyễn – triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến ở Việt Nam. Huế vẫn trầm mặc mà nên thơ, gắn với vẻ đẹp cổ kính của những đền, chùa, thành quách, lăng tẩm…nổi tiếng với dòng sông Hương thơ mộng. Sông Hương uốn lượn trong thành phố Huế như một sự sắp đặt để làm vui lòng du khách. Với mặt nước trong xanh tĩnh lặng in bóng thành quách, nhà cửa hai bên bờ. Có thể nói, chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất ở Huế với cảnh đẹp tự nhiên và được mở rộng ngay từ thời chúa Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Chùa Thiên Mụ chứa đựng biết bao dấu ấn của các thời đại Nhà Nguyễn về sự hưng thịnh của phật giáo thời xưa.
Ngày thứ 3 (8/12), đoàn đi thăm quan Đại nội Hoàng cung và Lăng Khải Định. Trong tôi đã hình dung được cuộc sống của các vua chúa ngày xưa, cách con người xưa làm việc, bảo vệ Quốc gia. Tại đây tôi được tìm về với những giá trị xưa kia của dân tộc ta, giá trị văn hóa còn lại minh chứng cho một thời oanh liệt của dân tộc Việt Nam trong chế độ phong kiến. Thật may mắn cho chúng ta khi trải qua chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng vẫn gìn giữ, bảo tồn được kinh thành nhà Nguyễn cho con cháu sau này biết về cha ông mình ngày xưa.
Ngày thứ 4 (9/12), đoàn từ Huế trở ra Hà Tĩnh thăm khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc. Đây là nơi gắn liền với tên tuổi của 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng, biểu tượng bất tử của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm chống Mỹ. Đồng Lộc bây giờ bình yên, tĩnh lặng với màu xanh bạt ngàn của đồi thông, khó ai trong chúng tôi có thể hình dung được này trước đây được mệnh danh là “tọa độ chết”, là “túi bom” của đế quốc Mỹ thả xuống nhằm ngăn chặn cho sự chi viện ở miền Nam. Qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên, chúng tôi thực sự cảm nhận được sự khốc liệt của năm tháng hào hùng ấy. Các chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để dệt lên gấm vóc Việt Nam, giành độc lập tự do cho dân tộc. Tổ Quốc mãi gọi các chị là những “đóa hoa bất tử”.
Ngày cuối cùng (10/12), chúng tôi đến Hoàng Trù quê ngoại và làng Sen quê nội Bác. Giọng chị hướng dẫn viên tha thiết như một điệu hò xứ Nghệ  đã đưa chúng tôi đến những câu chuyện về ngôi nhà nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời cho đến những lần Người về thăm quê sau bao năm xa cách. Làng Sen quê nội cách Hoàng Trù chừng 2km, nơi lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị thủa niên thiếu của Bác, một tuổi thơ êm đềm trôi trong sự nghiêm khắc giáo dục của cha và tình yêu thương cũng như đức hy sinh cao cả của người mẹ. Vùng nghèo khổ nhưng giàu tình nghĩa, giàu truyền thống yêu nước cùng với sự giáo dục của truyền thống gia đình đã hình thành nên nhân cách một con người vĩ đại Hồ Chí Minh.
Kết thúc chuyến đi nghiên cứu thực tế trở về với địa phương, với gia đình và công việc nhưng mỗi người chúng tôi đều mang trong mình những ấn tượng khó quên về dải đất miền Trung anh hùng. Chuyến đi thực tế này đã giúp chúng tôi nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về vai trò của di sản văn hóa, xác định bảo tồn, phát triển những di sản văn hóa và những di tích lịch sử là cơ sở để thế hệ sau phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc đó là lòng yêu nước, cần cù lao động, ý chí chiến đấu, đức hy sinh cao cả… từ đó, thêm yêu cuộc sống, hăng say lao động, sản xuất làm giàu đẹp cho mảnh đất quê hương.
Hứa Thị Minh Hồng (Khoa NN&PL)
Dương Thị Hồng Quyên  (HV Lớp Trung cấp LLCT-HC K9 Phổ Yên)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập283
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm281
  • Hôm nay16,490
  • Tháng hiện tại457,298
  • Tổng lượt truy cập18,566,100
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây