Theo Quy định 232-QĐ/TW, Ban Chấp hành Trung ương đã quy định thi hành khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 về tuổi đời và trình độ học vấn của người vào Đảng như sau:
- Về tuổi đời:
+ Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng).
+ Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.
- Về trình độ học vấn:
+ Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
+ Học vấn của người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Bí thư.
Đồng thời, tại Quy định 232-QĐ/TW năm 2025 cũng có quy định thi hành về quyền của đảng viên như sau:
- Quyền được thông tin của đảng viên:
Định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất, theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và cấp uỷ cấp trên, các cấp uỷ đảng thông tin cho đảng viên về tình hình, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thời sự trong nước, thế giới... phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Quyền của đảng viên trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng:
Thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Quyền của đảng viên trong việc phê bình, chất vấn tổ chức đảng và đảng viên; báo cáo, kiến nghị với cơ quan có trách nhiệm:
Đảng viên được phê bình, chất vấn, báo cáo, kiến nghị trực tiếp hoặc bằng văn bản trong phạm vi tổ chức của Đảng về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp; về những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng hoặc chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức của đảng viên đó; chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng về ý kiến của mình.
Khi nhận được ý kiến phê bình, chất vấn, báo cáo, kiến nghị, tổ chức đảng và đảng viên có trách nhiệm phải trả lời theo thẩm quyền, chậm nhất là 30 ngày làm việc đối với tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, 60 ngày làm việc đối với cấp huyện, tỉnh và tương đương, 90 ngày làm việc đối với cấp Trung ương. Những trường hợp phức tạp cần phải kéo dài hơn thời gian quy định trên thì phải thông báo cho tổ chức đảng và đảng viên biết lý do.
- Đảng viên được thông báo ý kiến nhận xét của cấp uỷ nơi làm việc và nơi cư trú khi xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; được trình bày ý kiến với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng khi xem xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.
Ngoài ra, Quy định số 232-QĐ/TW có một số điểm mới như sau:
(1) Các điểm mới về kết nạp Đảng
Một là, về giới thiệu và kết nạp người vào Đảng
- Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025 quy định “Vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị của người vào Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị” (Mục 3).
- Quy định số 24-QĐ/TW năm 2021 quy định “Vấn đề lịch sử chính trị, chính trị hiện nay và tiêu chuẩn chính trị của người vào Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị” (Mục 3).
Như vậy, Quy định 232-QĐ/TW năm 2025 đã bỏ nội dung “Vấn đề lịch sử chính trị, chính trị hiện nay” mà chỉ còn “Vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị” của người vào Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.
Hai là, về đối tượng không xem xét kết nạp lại
- Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025 quy định “Không xem xét, kết nạp lại những người trước đây ra khỏi Đảng vì lý do: Tự bỏ sinh hoạt đảng; làm đơn xin ra khỏi Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn); gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; bị kết án hình sự về tội tham nhũng; bị kết án hình sự về tội phạm nghiêm trọng trở lên” (Mục 3).
- Quy định số 24-QĐ/TW năm 2021 quy định “Không xem xét, kết nạp lại những người trước đây ra khỏi Đảng vì lý do: Tự bỏ sinh hoạt đảng; làm đơn xin ra Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn); gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; bị kết án vì tội tham nhũng; bị kết án về tội nghiêm trọng trở lên” (Mục 3).
Như vậy, Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025 đã nêu rõ nếu “Bị kết án hình sự về tội tham nhũng; bị kết án hình sự về tội phạm nghiêm trọng trở lên” thì thuộc đối tượng không xem xét kết nạp lại.
Ba là, giải quyết khiếu nại về xóa tên đảng viên
- Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025 quy định “Cơ quan tham mưu về công tác tổ chức của cấp ủy có trách nhiệm tham mưu giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại” (Mục 8).
- Quy định số 24-QĐ/TW năm 2021 quy định “Cơ quan tổ chức của cấp ủy có trách nhiệm tham mưu giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại” (Mục 8).
Như vậy, Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025 đã bổ sung, nêu rõ cơ quan có nhiệm vụ tham mưu giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại là “Cơ quan tham mưu về công tác tổ chức của cấp ủy”.
(2) Các điểm mới về sinh hoạt Đảng
Một là, về trách nhiệm giới thiệu sinh hoạt đảng
- Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025 quy định “Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ủy nhiệm cho Ban Tổ chức của cấp mình; các cấp ủy cấp trên của tổ chức cơ sở đảng thuộc Quân ủy Trung ương được ủy nhiệm cho cơ quan chính trị cùng cấp; Đảng ủy Công an Trung ương được ủy nhiệm cho Cục Tổ chức cán bộ trong việc giới thiệu sinh hoạt đảng” (Mục 6).
- Quy định số 24-QĐ/TW năm 2021 quy định “Các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ủy nhiệm cho Ban Tổ chức của cấp mình; các cấp ủy cấp trên của tổ chức cơ sở đảng thuộc Quân ủy Trung ương được ủy nhiệm cho cơ quan chính trị cùng cấp; Đảng ủy Công an Trung ương được ủy nhiệm cho cơ quan đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong việc giới thiệu sinh hoạt đảng” (Mục 6).
Như vậy, Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025 đã sửa đổi, bổ sung các cơ quan có trách nhiệm giới thiệu sinh hoạt đảng.
Hai là, nguyên tắc tự phê bình và phê bình
- Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025 quy định “Hằng năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ cấp ủy từ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng và tương đương trở lên, cấp ủy cấp cơ sở, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy viên các cấp và đảng viên phải tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; có kế hoạch, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm” (Mục 9).
- Quy định số 24-QĐ/TW năm 2021 quy định “Hằng năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở và tương đương trở lên, cấp ủy cấp cơ sở, đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy viên các cấp và đảng viên phải tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; có kế hoạch, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm” (Mục 9).
Như vậy, Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025 quy định trách nhiệm “Tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; có kế hoạch, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm” trước hết thuộc về “Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ cấp ủy từ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng và tương đương trở lên, cấp ủy cấp cơ sở, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy viên các cấp và đảng viên”.
(3) Điểm mới về tổ chức Đảng
Một là, về tổ chức Đảng
Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025 bổ sung thêm quy định “Đảng ủy là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội của Đảng bộ.”
Hai là, về điều kiện để Đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở.
- Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025 “Chỉ giao quyền cấp trên cơ sở cho Đảng ủy cơ sở ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang (mà cấp trên trực tiếp là Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương) khi có đủ các điều kiện sau đây: Có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong cùng một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; có số lượng từ 400 đảng viên trở lên. Đối với đảng bộ trong các ban, bộ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Đảng ủy trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh có thể ít hơn nhưng ít nhất từ 200 đảng viên trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Bí thư xem xét, quyết định” (Mục 10).
- Quy định số 24-QĐ/TW năm 2021 quy định “Chỉ giao quyền cấp trên cơ sở cho Đảng ủy cơ sở ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang (mà cấp trên trực tiếp là Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương) khi có đủ các điều kiện sau đây: Có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong cùng một đơn vị chính quyền hoặc cơ quan quản lý; có số lượng từ 400 đảng viên trở lên” (Mục 10).
Như vậy, Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025 quy định rõ hai trường hợp về điều kiện để Đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở:
- Có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong cùng một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; có số lượng từ 400 đảng viên trở lên.
- Đối với Đảng bộ trong các ban, bộ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Đảng ủy trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh có thể ít hơn nhưng ít nhất từ 200 đảng viên trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Bí thư xem xét, quyết định (quy định mới).
Minh Phương
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn