Đề án Phát triển năng lực số tỉnh Thái Nguyên năm 2025

Thứ hai - 10/02/2025 03:07
Để tận dụng cơ hội từ nền kinh tế số, đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, với quyết tâm thực hiện được các mục tiêu tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngày 5/2/2025, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 234-QĐ/UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển năng lực số tỉnh Thái Nguyên năm 2025.
 Với mục tiêu: Nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc trên môi trường số của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập năng lực số cho người lao động trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, từ đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể hóa chương trình đào tạo đối với từng đối tượng trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng đơn vị; tạo cơ hội tiếp cận kiến thức, kỹ năng số cho người lao động ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm đối tượng yếu thế, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chú trọng nâng cao năng lực sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo cho người dân theo tinh thần “Bình dân học AI” để hình thành nên lực lượng sản xuất mới cho tỉnh Thái Nguyên nhằm nâng cao mức sống và mức thu nhập.
Theo đó, Đề án được thực hiện từ tháng 1/2025 đến tháng 12/2025, đối tượng, phạm vi của đề án là người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tập trung vào nhóm đối tượng người dân trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi). Đề án thực hiện các nội dung trọng tâm: Truyền thông nâng cao nhận thức về phát triển năng lực số; xây dựng và ban hành khung năng lực số cho công dân tỉnh Thái Nguyên; xây dựng học liệu, giáo trình đào tạo trực tuyến; xây dựng đội ngũ chuyên gia, giảng viên, cán bộ nòng cốt; tổ chức đào tạo, phát triển năng lực số cho người lao động và các nhóm đối tượng đặc thù; triển khai mô hình “Bình dân học AI” và phát triển nền tảng số, mô hình số; công tác triển khai, sơ kết, tổng kết, đánh giá và kiểm tra, giám sát.
Đề án phấn đấu đến cuối năm 2025, cần xây dựng đội ngũ chuyên gia (giảng viên cấp tỉnh gồm 30 người) để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và đào tạo lại cho 3.000 cán bộ đào tạo nòng cốt của các sở, ngành, địa phương, các trường đại học, cao đẳng, Tổ công nghệ số cộng đồng. Phát triển học liệu số tích hợp vào các nền tảng số sẵn có để triển khai đào tạo trực tuyến. Xây dựng kho học liệu số góp phần hỗ trợ người dân học tập mọi lúc, mọi nơi để thực hiên mục tiêu đến cuối năm 2025, cơ bản hoàn thành phổ cập năng lực số cho người lao động tỉnh Thái Nguyên. Phấn đấu 80% đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số và phát triển học liệu số. Phấn đấu 80% cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số, đảm bảo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện tỉnh Thái Nguyên. Phấn đấu 80% trở lên doanh nghiệp trong các khu công nghiệp triển khai Chương trình đào tạo công nghệ số cho người lao động ít nhất 01 giờ/tuần; trong đó có ít nhất 80% người lao động tham gia… Phấn đấu 80% học sinh, sinh viên được đào tạo nâng cao năng lực số cơ bản; 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và 50% các trường trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và đào tạo kỹ năng số. Ít nhất 70% số người dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực chủ yếu: Hành chính công, y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, thương mại, ngân hàng… Ít nhất 50% người có công với cách mạng và các nhóm yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số và người vùng sâu, vùng xa được hướng dẫn tiếp cận một cách dễ dàng các dịch vụ an sinh xã hội…
Triển khai thành công Đề án không chỉ nhằm trang bị cho người dân có một kỹ năng số cơ bản, ứng dụng được những công nghệ số phù hợp, khai thác được các dịch vụ số thiết yếu, nâng cao nhận thức, thái độ trên môi trường số mà còn trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trên nền tảng số… Tăng cường khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, trong tâm là công cụ AI để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từ đó nâng cao chất lượng cuộc số và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Minh Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay16,187
  • Tháng hiện tại418,775
  • Tổng lượt truy cập23,449,867
global block tophitss
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây