Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Thứ tư - 26/07/2023 04:57
Quy định 114 gồm 5 Chương, 16 điều; trong đó quy định những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; xử lý vi phạm…
Về phạm vi điều chỉnh, Quy định 114-QĐ/TW quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.
Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ.
Quy định 114 quy định 19 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, gồm: 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn; 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; 5 hành vi tiêu cực khác.
Theo đó, Quy định 114 quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; người đứng đầu các cơ quan tham mưu; cán bộ tham mưu trong kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Theo Bộ Chính trị, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu, cơ quan cấp dưới và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý. Từ đó, chấn chỉnh, xử lý kịp thời và nghiêm minh hành vi vi phạm.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phải bảo vệ, khen thưởng kịp thời cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm trong công tác cán bộ. Với cán bộ tham mưu, theo dõi, phụ trách công tác cán bộ vi phạm kỷ luật, có dư luận xấu, Bộ Chính trị yêu cầu chuyển đổi vị trí công tác, địa bàn, lĩnh vực cán bộ phụ trách.
Trong Quy định 114, Bộ Chính trị quán triệt không được bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cũng theo quy định mới của Bộ Chính trị, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không được bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh: Người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.
"Trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao, phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí", theo quy định của Bộ Chính trị.
Đối với chức danh thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương quản lý, Bộ Chính trị yêu cầu phải báo cáo Ban Tổ chức Trung để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Quy định 114 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo khi có thông báo nghỉ hưu, thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc đang bị xem xét kỷ luật… phải báo cáo và được sự đồng ý của thường trực cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ. Với người đứng đầu là cán bộ diện Trung ương quản lý, phải báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương.
Quy định này thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Ma Thị Hồng Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay18,810
  • Tháng hiện tại441,790
  • Tổng lượt truy cập16,864,596
global block tophitss
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây