Quyết định 190-QĐ/TW, ngày 10/10/2024 của BCH Trung ương Đảng ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

Thứ năm - 31/10/2024 22:54
Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quyết định 190-QĐ/TW, ngày 10/10/2024 ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng (Quy chế 190), thay thế Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09/6/2014.
Theo đó, Quy chế 190 gồm 7 chương, 36 điều với quy định chung về đối tượng và phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc bầu cử; hình thức bầu cử; quy định chi tiết về nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội, các tổ chức điều hành và giúp việc đại hội trong công tác bầu cử; ứng cử, đề cử, bầu cử, danh sách bầu cử, phiếu bầu cử; trình tự, thủ tục bầu cử; tính kết quả và chuẩn y kết quả bầu cử; xử lý vi phạm;…
Quy chế này được áp dụng đối với việc bầu cử tại đại hội chi bộ, đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử ở hội nghị ban chấp hành, hội nghị uỷ ban kiểm tra. Việc bầu cử ở Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng do Đại hội quyết định. Cấp uỷ, tổ chức đảng giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được vận dụng theo Quy chế này.
Cũng theo Quy chế, việc bầu cử trong Đảng thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; bình đẳng, trực tiếp, đa số quá bán. Kết quả bầu cử từ chi bộ đến đảng bộ trực thuộc Trung ương phải được chuẩn y của cấp uỷ có thẩm quyền theo quy định.
Về hình thức bầu cử, Quy chế nêu rõ:
- Bỏ phiếu kín thực hiện trong các trường hợp: Bầu ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ); bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp uỷ. Bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư. Bầu uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra. Bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Lấy phiếu xin ý kiến về các ứng cử viên để đưa vào danh sách bầu cử. Giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
- Biểu quyết giơ tay (sử dụng thẻ đảng viên để biểu quyết) thực hiện trong các trường hợp: Bầu các cơ quan điều hành, giúp việc đại hội, hội nghị (đoàn chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, thư ký đại hội, chủ tịch hội nghị, ban thẩm tra tư cách đại biểu, ban kiểm phiếu). Thông qua số lượng và danh sách bầu cử.
Quy chế 190 với 3 điểm mới cơ bản, cụ thể sau:
1. Mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh của quy chế bầu cử trong đảng
Đối tượng và phạm vi điều chỉnh được quy định tại Quy chế 190 đã tích hợp, điều chỉnh, bổ sung thành “quy chế này được áp dụng đối với việc bầu cử tại đại hội chi bộ, đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử tại hội nghị ban chấp hành, hội nghị ủy ban kiểm tra”. Đồng thời, bên cạnh việc áp dụng trong công tác bầu cử tại đại hội, quy chế còn được vận dụng khi cấp ủy, tổ chức đảng giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Qua đó, đã cụ thể hóa khái niệm “bầu cử trong Đảng” gồm những nội dung nào; bảo đảm tính khái quát, toàn diện, xác định rõ các trường hợp được áp dụng quy chế bầu cử, tạo sự thống nhất trong cách hiểu và thực hiện.
2. Bổ sung, hoàn thiện quy định về nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội, các tổ chức điều hành và giúp việc đại hội trong công tác bầu cử
Quy chế 190 đã cập nhật và cụ thể hóa Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về thi hành Điều lệ Đảng”, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị “về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” để xác định rõ hơn trách nhiệm của cấp ủy, các tổ chức điều hành và giúp việc đại hội trong công tác bầu cử.
Theo đó, đã điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ “chuẩn bị các vấn đề về nhân sự đại biểu, đề án nhân sự cấp ủy, ủy ban kiểm tra và kế hoạch tổ chức đại hội” của cấp ủy triệu tập đại hội nêu tại Quyết định số 244-QĐ/TW thành “chuẩn bị đề án nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên; đề án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra và các điều kiện để tổ chức hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp ủy theo quy định”.
Đã bổ sung thêm 3 điều, khoản mới so với Quy chế 244, cụ thể: (1) khoản 7, Điều 4, cấp ủy triệu tập đại hội có trách nhiệm “chuẩn bị số lượng, danh sách và nhân sự đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, thư ký đại hội, ban thẩm tra tư cách đại biểu để trình đại hội xem xét, biểu quyết thông qua”; (2) khoản 8, Điều 5, đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội phải “bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp và chỉ đạo thực hiện đúng đề án nhân sự ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư cấp ủy đã được cấp có thẩm quyền thông qua cho đến khi bầu được ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy khóa mới”; (3) Điều 7, nhiệm vụ của Ban thẩm tra tư cách đại biểu.
Những điều chỉnh, bổ sung nêu trên đã khắc phục được các hạn chế, lúng túng trong việc xác định trách nhiệm của các tổ chức tham gia công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử tại đại hội như các nhiệm kỳ trước; đảm bảo tính liên thông, đồng bộ giữa quy chế bầu cử trong Đảng và các quy định khác của Trung ương.
3. Siết chặt quy trình, thủ tục ứng cử, đề cử; đảm bảo sự công bằng trong việc đề cử, giới thiệu nhân sự để bầu cử
Qua tổng kết việc thực hiện quy chế bầu cử tại đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025, một số trường hợp nhân sự được đại biểu, đảng viên dự đại hội đề cử ngoài danh sách do cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị, được đưa vào danh sách bầu cử và trúng cử.
Tuy nhiên, do Quy chế 244 chưa có cơ chế để sàng lọc nhân sự được đề cử cũng như ràng buộc trách nhiệm đối với người đề cử thêm ngoài danh sách nên còn tình trạng nhân sự được giới thiệu chưa đảm bảo tiêu chuẩn hoặc đề cử vì mục đích cá nhân không trong sáng; đồng thời chưa đảm bảo tính công bằng đối với nhân sự được cấp ủy chuẩn bị thông qua quy trình trước đại hội.
Vì vậy, bên cạnh tiếp tục mở rộng dân chủ, Quy chế 190 đã bổ sung một số quy định nhằm siết chặt kỷ cương trong công tác ứng cử, đề cử, giới thiệu nhân sự tại đại hội, cụ thể: (1) Tại khoản 3, Điều 10, người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử.
Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng; (2) Tại khoản 3, Điều 14, người ứng cử, người được đề cử mà không được cấp ủy triệu tập đại hội đề cử phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và phải được từ trên 30% tổng số đại biểu (đảng viên) dự đại hội (hội nghị) đồng ý giới thiệu mới được đưa vào danh sách để đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định.
Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì xin ý kiến đại hội (hội nghị) về những người được đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử.
Bên cạnh những điểm mới cơ bản nêu trên, Quy chế 190 đã biên tập, bố cục lại một số nội dung, diễn đạt lại một số câu chữ đảm bảo chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện; bổ sung thêm một số nội dung về số dư trong trường hợp cần bầu lấy số lượng từ 1- 6 người (khoản 5, Điều 14), về phiếu không hợp lệ (khoản 2, Điều 15), về danh sách trích ngang các ứng viên (Điều 16)... nhằm phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn.
Ma Trần Thu Hường
 

 
File đính kèm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập106
  • Hôm nay25,890
  • Tháng hiện tại335,540
  • Tổng lượt truy cập23,366,632
global block tophitss
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây